Quan trắc môi trường nước
I. QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT
Quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt theo Thông tư số 29 /2011/TT-BTNMT.
Các mục tiêu cơ bản trong quan trắc môi trường nước mặt lục địa là:
+ Đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt khu vực, địa phương
+ Đánh giá mức độ phù hợp các tiêu chuẩn cho phép đối với môi trường nước;
+ Đánh giá diễn biến chất lượng nước theo thời gian và không gian;
+ Cảnh báo sớm các hiện tượng ô nhiễm nguồn nước;
+ Theo các yêu cầu khác của công tác quản lý môi trường quốc gia, khu vực, địa phương.
Chương trình quan trắc sau khi thiết kế phải được cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý chương trình quan trắc phê duyệt hoặc chấp thuận bằng văn bản. Việc thiết kế chương trình quan trắc môi trường nước mặt lục địa cụ thể như sau:
1. Kiểu quan trắc
Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, khi thiết kế chương trình quan trắc cần xác định kiểu quan trắc là quan trắc môi trường nền hay quan trắc môi trường tác động.
2. Địa điểm và vị trí quan trắc
- Việc xác định địa điểm quan trắc môi trường nước mặt lục địa phụ thuộc vào mục tiêu chung của chương trình quan trắc và điều kiện cụ thể của mỗi vị trí quan trắc;
- Căn cứ vào yêu cầu của đối tượng cần quan trắc (sông, suối, ao, hồ…) mà xây dựng lưới điểm quan trắc cho phù hợp. Số lượng các điểm quan trắc phải được cấp có thẩm quyền quyết định hàng năm;
- Vị trí quan trắc cần phải chọn ổn định, đại diện được cho môi trường nước ở nơi cần quan trắc, được xác định tọa độ chính xác và được đánh dấu trên bản đồ.
3. Thông số quan trắc
Căn cứ theo mục tiêu của chương trình quan trắc, loại nguồn nước, mục đích sử dụng, nguồn ô nhiễm hoặc nguồn tiếp nhận mà quan trắc các thông số sau: (QCVN 08:2008/BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt)
4. Thời gian và tuần suất quan trắc
Tần suất quan trắc môi trường nước mặt lục địa được quy định như sau:
– Tần suất quan trắc nền: tối thiểu 01 lần/tháng;
– Tần suất quan trắc tác động: tối thiểu 01 lần/quý.
Căn cứ vào yêu cầu của công tác quản lý môi trường, mục tiêu quan trắc, đặc điểm nguồn nước cũng như điều kiện về kinh tế và kỹ thuật mà xác định tần suất quan trắc thích hợp.
– Tại những vị trí chịu ảnh hưởng chế độ thuỷ triều hoặc có sự thay đổi lớn về tính chất, lưu tốc dòng chảy thì số lần lấy mẫu nước mặt tối thiểu là 02 lần/ngày, đảm bảo đánh giá bao quát được ảnh hưởng của chế độ thủy triều.

II. QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG NƯỚC THẢI
A. Đối với nước thải công nghiệp
Các mục tiêu trong quan trắc môi trường nước thải công nghiệp là:
- Kiểm soát ô nhiễm;
- Đánh giá sự tuân thủ của các cơ sở sản xuất đối với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn nước thải;Cung cấp số liệu phục vụ công tác quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương;
- Xây dựng các báo cáo hiện trạng môi trường;
- Cảnh báo sớm hiện tượng ô nhiễm nguồn nước;
Thiết kế chương trình quan trắc: Chương trình quan trắc phải được cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý chương trình quan trắc phê duyệt, chấp thuận bằng văn bản.
Việc thiết kế chương trình quan trắc nước thải công nghiệp cụ thể như sau:
1. Xác định địa điểm và vị trí quan trắc
– Nguyên tắc, yêu cầu khi xác định vị trí quan trắc Vị trí quan trắc phải đại diện cho dòng nước thải cần quan trắc và thỏa mãn các yêu cầu sau:
+ Cuối dòng thải trước khi thải vào nguồn tiếp nhận;
+ Dòng chảy tại vị trí quan trắc phải hòa trộn đều, độ đồng nhất cao; Trường hợp không có dòng chảy hòa trộn đều thì có thể tạo dòng chảy hòa trộn đều bằng cách thu hẹp dòng chảy nhưng phải bảo đảm không xảy ra sự lắng cặn ở phía trước chỗ thu hẹp. Vị trí quan trắc phải ở phía sau của chỗ thu hẹp, cách chỗ thu hẹp ít nhất một khoảng bằng 3 lần bề rộng chỗ thu hẹp. Trong trường hợp không thể tạo dòng chảy hòa trộn đều thì phải áp dụng phương pháp lấy mẫu tổ hợp.
+ Dễ tiếp cận dòng thải để tiến hành lấy mẫu và đo lưu lượng;
+ An toàn và không gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng quan trắc viên.
+ Lập bản mô tả vị trí địa lý và ký hiệu các vị trí quan trắc Sau khi xác định các vị trí quan trắc, cần mô tả chi tiết về tọa độ vị trí quan trắc (kinh độ, vĩ độ), ký hiệu điểm quan trắc, khoảng cách từ vị trí lấy mẫu tới đầu nguồn thải và tới nguồn tiếp nhận, các đặc điểm xung quanh khu vực quan trắc.
2. Xác định thông số, thời gian và tần suất quan trắc
– Thông số: Căn cứ theo mục tiêu của chương trình quan trắc, loại hình sản xuất, loại nguồn thải mà quan trắc các thông số được quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp
– Thời gian quan trắc:
+ Thời điểm lấy mẫu: mẫu được lấy vào thời điểm hoạt động sản xuất ổn định của cơ sở sản xuất là tốt nhất. Trường hợp các cơ sở sản xuất hoạt động không ổn định thì tiến hành lấy mẫu khi hiệu suất sản xuất đạt công suất tối đa và vận hành ổn định trong quá trình lấy mẫu.
+ Thời gian lấy mẫu nước thải tùy thuộc vào mục đích quan trắc và loại mẫu cần lấy, gồm: mẫu đơn hoặc mẫu tổ hợp.
– Tần suất quan trắc: Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, đặc điểm nguồn thải để xác định tần suất quan trắc nước thải công nghiệp. Để phục vụ công tác quản lý về môi trường, tần suất quan trắc tối thiểu là 4 lần/năm, 1 lần/quý. Đối với các nguồn thải có đặc tính thay đổi theo thời vụ thì tần suất quan trắc được xác định theo chu kỳ thay đổi của nguồn thải nhưng không ít hơn 4 lần/năm.
B. Đối với nước thải sinh hoạt
Các mục tiêu trong quan trắc môi trường nước thải sinh hoạt là:
– Kiểm soát ô nhiễm;
– Đánh giá sự tuân thủ của các cơ sở đối với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt;
– Cung cấp số liệu phục vụ công tác quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương;
– Cảnh báo sớm hiện tượng ô nhiễm nguồn nước;
Thiết kế chương trình quan trắc: Chương trình quan trắc phải được cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý chương trình quan trắc phê duyệt, chấp thuận bằng văn bản.
Việc thiết kế chương trình quan trắc nước thải sinh hoạt cụ thể như sau:
1. Xác định địa điểm và vị trí quan trắc
– Nguyên tắc, yêu cầu khi xác định vị trí quan trắc Vị trí quan trắc phải đại diện cho dòng nước thải cần quan trắc và thỏa mãn các yêu cầu sau:
+ Cuối cống thải của đường ống trước khi thải vào nguồn tiếp nhận;
+ Dòng chảy tại vị trí quan trắc phải hòa trộn đều, độ đồng nhất cao; Trường hợp không có dòng chảy hòa trộn đều thì có thể tạo dòng chảy hòa trộn đều bằng cách thu hẹp dòng chảy nhưng phải bảo đảm không xảy ra sự lắng cặn ở phía trước chỗ thu hẹp. Vị trí quan trắc phải ở phía sau của chỗ thu hẹp, cách chỗ thu hẹp ít nhất một khoảng bằng 3 lần bề rộng chỗ thu hẹp. Trong trường hợp không thể tạo dòng chảy hòa trộn đều thì phải áp dụng phương pháp lấy mẫu tổ hợp.
+ Dễ tiếp cận dòng thải để tiến hành lấy mẫu và đo lưu lượng;
+ An toàn và không gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng quan trắc viên.
– Lập bản mô tả vị trí địa lý và ký hiệu các vị trí quan trắc. Sau khi xác định các vị trí quan trắc, cần mô tả chi tiết về tọa độ vị trí quan trắc (kinh độ, vĩ độ), ký hiệu điểm quan trắc, các đặc điểm xung quanh khu vực quan trắc.
2. Xác định thông số, thời gian và tần suất quan trắc
– Thông số: Căn cứ theo các thông số được quy định tại QCVN 14:2008/BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.
– Thời gian quan trắc:
+ Thời điểm lấy mẫu: Mẫu nước thải sinh hoạt nên lấy vào thời điểm cơ sở hoạt động bình thường, lượng công nhân viên của cơ sở không nghỉ phép quá nhiều là tốt nhất.
+ Thời gian lấy mẫu nước thải nên lấy vào thời điểm cơ sở đang hoạt động bình thường và lượng cán bộ công nhân viên sử dụng nhà vệ sinh tại cơ sở vào cường độ cao là tốt nhất.
– Tần suất quan trắc: Căn cứ vào số lượng công nhân viên và số nhà vệ sinh của cơ sở để xác định tần suất quan trắc nước thải sinh hoạt. Để phục vụ công tác quản lý về môi trường, tần suất quan trắc tối thiểu là 4 lần/năm, 1 lần/quý.
